Dù mới bén duyên cùng GNT JP từ 2/9/2019, Anh Kha đã nhiệt tình mang đến một câu chuyện vô cùng hấp dẫn và thú vị về cuộc sống của anh tại Nhật.
Đây không chỉ là câu chuyện truyền cảm hứng mà còn là một góc nhìn chân thực cho những người đang khao khát trải nghiệm xứ sở mặt trời mọc.
Kha quê gốc ở Quảng Nam, sau tốt nghiệp anh làm việc 2 năm tại một công ty chuyên về phần mềm nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Với mong muốn tìm kiếm cơ hội và môi trường tốt hơn, Kha “cắp sách” sang Nhật du học.
Anh mất một năm để trình độ Tiếng Nhật từ không lên tới N2, sau một năm học tiếng, anh tiếp tục công tác cho chi nhánh đại điện của công ty mà anh theo làm tại Việt Nam.
Kha chia sẻ rằng anh biết đến GNT Japan thông qua lời giới thiệu của một người bạn.
Từ lúc học đại học tới lúc đi làm hay khi sang Nhật, mọi thứ của anh đều liên quan tới một công ty duy nhất. Nên anh muốn tìm một môi trường mới có nhiều thử thách hơn.
Ấn tượng đầu tiên của Kha về nước Nhật là lạnh, rất lạnh, cảm giác giống như mọi định nghĩa trước giờ của anh dành cho cái lạnh đều sai kể từ khi anh đặt chân đến đây.
Anh đến Nhật vào tháng 4, thông thường thời gian này trời ấm lên và hoa Sakura đã rơi hết rồi.
Nhưng năm đó, trời lạnh hơn mọi khi nên anh được chào đón bởi một hàng cây Sakura ngay trước nơi ở.
Ngày đầu tiên đến trường, Kha đã được thưởng thức ngay đặc sản Nhật Bản mang tên “chen tàu”.
Chen đến nỗi mình chỉ có thể đứng 1 thế duy nhất cho tới khi tới trạm.
Anh phải thưởng thức hai món chen tàu và trễ tàu thường xuyên vì tuyến tàu từ nhà anh tới trường nằm trong top 3 tuyến đông nhất ở Tokyo sầm uất.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, sợ nhất vẫn là lạc đường ở ga tàu. Ga Ikebukuro, theo anh nghĩ có thể là nhà ga dễ lạc nhất ở Tokyo.
Loay hoay mãi, anh vẫn kịp tới trường đúng giờ vì khai giảng 10h còn anh đi từ 7h, các senpai (đàn anh) bảo đây là kinh nghiệm xương máu.
Nếu không muốn trễ thì nên đi cực sớm, trước 3 tiếng trừ hao lạc đường. Khi nào quen rồi thì đi sớm 2 tiếng cũng được nhưng đừng mơ đến chuyện hết lạc đường.
Ở Nhật mọi người đi như bay. Người đi bộ đông như kiến.
Những cái này có thể xem ở các clip giới thiệu về nước Nhật nhưng thật sự khi trải nghiệm, khi được làm một con kiến trong dòng người đi bộ mỗi buổi sáng đó.
Thì anh mới nhận ra là, hóa ra người Nhật họ tuổi thọ trung bình cao hơn những quốc gia khác là do bản chất vận động rất nhiều.
Nhật Bản còn lấp lánh về đêm, đèn các tòa nhà cao vút, đèn trong các quán pachinko (Máy đánh bạc), đèn từ các quán ăn, quán nhậu, quán café.
Có lẽ do Kha ở khu trung tâm nên mọi thứ đối với anh đều quá đẹp và choáng ngợp.
Theo anh điểm khác biệt nhất ở Tokyo đó là phép lịch sự, nói một cách cụ thể hơn đó là sợ làm phiền.
Người này sợ làm phiền người kia, nên câu cửa miệng của người Nhật là *Sumimasen* (Xin lỗi), có thể thời gian đầu bạn sẽ cảm thấy thoải mái và cho rằng họ lịch sự làm sao.
Nhưng ở lâu rồi bạn sẽ thấy điều đó thực sự khá vô cảm, họ sợ làm phiền người khác nên khi gặp vấn đề gì họ cũng ko dám nhờ vả ai, và cũng ngại việc bị người khác nhờ giúp đỡ.
Nên nếu đâu đó bạn có đọc một bài báo về việc ở lâu tại Nhật cũng không hề biết mặt những người ở gần bên, là chuyện có thật.
Nhưng so với những mặt trái đó, thì điều anh nghĩ dễ chịu nhất ở Nhật đó là dịch vụ chất lượng cao mà khó tìm được ở bất kì một nơi nào khác.
Ở Nhật, cụ thể là nơi Kha sống có rất nhiều công viên, mỗi một quận đều có một công viên lớn nhỏ tùy chỗ.
Không khí trong lành nhiều cây xanh để vận động. Đây cũng là 1 trong những lý do tuổi thọ trung bình của người Nhật rất cao vì bầu không khí trong lành và không gian để có có thể thoải mái hoạt động ngoài trời.
Môi trường làm việc ở Nhật và Việt Nam vô cùng khác nhau.
Nếu công ty Việt Nam, 8h30 quẹt thẻ checkin, sau đó bật máy check mail sơ sơ rồi đi ăn sáng café tới 9h30 lên làm việc, loay hoay đến 11h30 rục rịch đi ăn trưa, nghỉ trưa tới 13h.
Buổi chiều ăn xế, thoải mái làm việc đến đúng giờ rồi về nếu không OT tới 21-22h để có thêm thu nhập.
Còn ở Nhật thì khác, 9h30 bắt đầu làm việc đến đúng 12h ăn trưa. Nghỉ trưa 1 tiếng rồi lại bắt tay vào làm lúc 13h tới 18h30, có ngày tới 22h tùy hôm đó có nhiều việc hay không.
Điểm khác nhau lớn chính là họ phân biệt rạch ròi giữa làm và chơi. Người Nhật không có định nghĩa ngồi café sáng, muốn tỉnh táo bạn có thể mua 1 ly café đặt trên bàn vừa làm vừa uống.
Họ càng không có định nghĩa ăn xế, làm cho xong việc rồi về với gia đình. Tinh thần trách nhiệm họ nặng, họ rất sợ rảnh rỗi cũng như sợ bị đánh giá. Không có việc cũng phải tự tìm việc mà làm.
Làm việc với người Nhật rất nhẹ đầu, vì tinh thần tự giác, trách nhiệm cực cao, giao nhiệm vụ sẽ luôn đảm bảo đúng deadline, nếu không kịp thì luôn chia sẻ thông tin sớm nhất có thể, để đưa ra cách giải quyết.
Người Nhật không bao giờ có kiểu im im hai người người làm chung một task mà không hề hay biết. Hoặc là task mình đang làm người khác đã hoàn thành xong rồi mà mình không biết.
Nhưng đồng nghĩa với chất lượng công việc cao là môi trường làm việc nặng nề, đầy áp lực, không có tiếng cười đùa vì đó là sự ồn ào không cần thiết, tan làm thì ai về nhà nấy.
Rất ít trường hợp rủ nhau đi chơi, xem phim hay đi nhậu, có khi họ còn không muốn về nhà cơ.
Họ ngại tham gia event của công ty vì họ thấy phiền. Các công ty khách hàng anh làm đều không có định nghĩa Company Trip.
Môi trường làm việc ở Việt Nam có thể cho bạn cảm giác như ở trong một gia đình lớn.
Nhưng môi trường làm việc ở Nhật thì lại cho bạn cảm giác như đang bị nấu trong nồi áp suất. Rất ngột ngạt, bí bách, và cô đơn.
Đây cũng là lý do người nước ngoài biết đến nước Nhật qua những việc như nhảy tàu tự tử như cơm bữa.
Về cơ bản môi trường làm việc ở Nhật mang tính xã giao đúng nghĩa.
Mọi người luôn cười và lịch sự với nhau mặc dù bản thân có thể rất không ưa người đó.
Có lẽ họ chưa bao giờ có tư tưởng sẽ tìm bạn thân trong công ty. Người Nhật thông thường tìm bạn thân từ thời đại học.
Đừng vì những lời bên trên của Kha mà sợ hãi, anh cũng khẳng định làm việc onsite sẽ mang cho bạn rất nhiều cái lợi, tiên quyết nhất là thu nhập bạn sẽ tốt hơn rất nhiều.
Việc thay đổi môi trường sẽ giúp bạn phải thích nghi, đó vừa là trải nghiệm vừa là cách tích lũy kinh nghiệm trong giao tiếp rất tốt.
Khi bạn thích ứng với một môi trường mới, bạn sẽ nhận ra được đâu là điểm tốt hơn so với môi trường cũ và đâu là điểm kém hơn.
Khi nhận biết được rồi thì bạn sẽ có thể lựa chọn kế thừa cái tốt và loại bỏ cái không tốt, nếu bạn muốn.
Hơn nữa đó là bạn sẽ được làm những công việc có độ thử thách cao hơn, tốt cho việc nâng cao khả năng bản thân và định hướng tương lai trở thành quản lý hoặc technical chuyên sâu.
Khi khách hàng yêu cầu bạn onsite tức là họ nhận thấy bạn có kỹ năng mà họ cần, khi đó bạn có thể làm công việc theo sở trường của bạn và làm nó tốt lên hàng ngày.
Đặc biệt nhất là bạn sẽ được du lịch dài hạn, được ngắm phong cảnh, trải nghiệm những thứ mà ở Việt Nam không có.
Nếu có thể hãy đi và trải nghiệm khi còn trẻ vì dù phải gặp những khó khăn, cuộc sống tại Nhật không phải màu hồng, nhưng điều đó giúp bạn trưởng thành và mạnh mẽ hơn.
Cho dù khó khăn đó có làm bạn muốn quay đầu thì cũng không sao, vì ít ra khi bạn gặp khó khăn tương tự ít nhất bạn sẽ không bị sốc và có thêm can đảm để lựa chọn vượt qua nó.
Gambaru Team.