• Home
  • All about Japan
  • Robot Nhật Bản làm việc tại cửa hàng tiện lợi trong thử nghiệm tự động hóa ngành bán lẻ

Robot Nhật Bản làm việc tại cửa hàng tiện lợi trong thử nghiệm tự động hóa ngành bán lẻ


Vào tháng 8, 2020, nhà sản xuất Telexistence ra mắt robot có hình dạng như một con kangaroo để xếp đồ uống và đồ ăn sẵn lên kệ tại cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản, trong một cuộc thử nghiệm với hy vọng sẽ giúp kích hoạt làn sóng tự động hóa ngành bán lẻ.







“Kangaroo-Bot” đang làm việc. Nguồn: Reuters channel trên YouTube




Sau đợt thử nghiệm này, nhà điều hành cửa hàng FamilyMart cho biết họ có kế hoạch sử dụng nhân viên robot tại 20 cửa hàng tại Tokyo vào năm 2022.





Thời gian đầu, mọi người sẽ vận hành robot từ xa – cho đến khi trí thông minh nhân tạo (AI) có thể giúp robot học cách bắt chước chuyển động của con người.





Theo Telexistence, chuỗi cửa hàng tiện lợi đối thủ Lawson triển khai nhân viên robot đầu tiên của họ vào tháng 9.





“Robot giúp nâng cao phạm vi và quy mô tồn tại của loài người”, ông Jin Tomioka, CEO của Telexistence, cho biết khi giải thích cách công nghệ của họ cho phép mọi người cảm nhận và trải nghiệm những nơi khác nhau ngoài nơi ở hiện tại.





Ý tưởng telexistence, lần đầu tiên được đề xuất bởi người đồng sáng lập của công ty khởi nghiệp này chính là giáo sư Susumu Tachi, Đại học Tokyo, cách đây bốn thập kỷ.





Công ty Telexistence nhận được tài trợ từ công ty đầu tư công nghệ SoftBank Group và nhà điều hành dịch vụ điện thoại di động KDDI của Nhật Bản, cùng các nhà đầu tư nước ngoài như Airbus Ventures, chi nhánh đầu tư mạo hiểm của nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus SE.





Họ đặt tên robot là Model T, một sự tri ân dành cho tên một dòng Ford Motor đã bắt đầu kỷ nguyên sản xuất ô tô hàng loạt cách đây một thế kỷ.





Robot Model T của Telexistence
Robot Model T của Telexistence. Ảnh: japan.topnews.cloud




Thiết kế lạ mắt của nó nhằm giúp người mua sắm cảm thấy yên tâm vì mọi người có thể có cảm giác không thoải mái khi ở cạnh những con robot trông quá giống người.





Robot vẫn chưa phổ biến trong công chúng. Mặc dù có thể làm tốt hơn con người tại các nhà máy sản xuất, song chúng vẫn gặp khó khăn với các nhiệm vụ đơn giản trong môi trường đô thị khó đoán hơn.





Giải quyết vấn đề hiệu suất trên có thể giúp các doanh nghiệp ở các quốc gia công nghiệp phát triển như Nhật Bản với tình hình già hóa dân số ngày càng nhanh, đối phó với số lượng lao động giảm.





Các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch corona cũng có thể cần phải hoạt động với ít nhân sự hơn.





Ông Tomioka cho biết kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các khách sạn, nhà hàng và thậm chí cả công ty xăng dầu đã liên hệ với Telexistence.





Cô Niki Harada, cán bộ tại Liên đoàn Công nhân Nhà hàng Nhật Bản cho biết: “Hiện tại rất khó để biết được tác động của robot trong các nhà hàng – điều này có thể khiến nhân sự giảm đi, nhưng nó cũng có thể tạo ra nhiều việc làm mới”.





Telexistence cho biết, việc sử dụng người điều khiển bằng kính thực tế ảo và điều khiển cảm biến chuyển động để huấn luyện máy giúp giảm chi phí cho robot ngành bán lẻ so với việc lập trình phức tạp có thể tốn gấp 10 lần và mất nhiều tháng để hoàn thành.





Tomohiro Kano, tổng giám đốc phụ trách phát triển nhượng quyền, cho biết: “Mặc dù FamilyMart vẫn sẽ cần con người để điều khiển robot, nhưng người điều hành có thể ở bất cứ đâu và bao gồm cả nhân sự không làm việc tại cửa hàng.”





“Có khoảng 1,6 triệu người ở Nhật Bản không tham gia lực lượng lao động vì nhiều lý do.”





Giáo sư Takeo Kanade, một nhà khoa học về AI và robot tại Đại học Carnegie Mellon ở Hoa Kỳ, gia nhập Telexistence vào tháng 2 với tư cách là cố vấn, dự đoán rằng trong tương lai robot cũng có thể được sử dụng trong các bệnh viện để y bác sĩ có thể làm việc từ xa.





Robot sẽ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực hơn để giải quyết vấn đề về hiệu suất và già hóa dân số
Robot sẽ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực hơn để giải quyết vấn đề về hiệu suất và già hóa dân số. Ảnh: Arseny Togulev – Unsplash




Tuy nhiên, ông cho rằng có thể phải mất 20 năm nữa robot mới có thể làm việc tại nhà của mọi người.





“Để robot thực sự có thể sử dụng được ở các hộ gia đình, chúng phải biết giao tiếp. Điều cơ bản còn thiếu là chúng lại chưa biết cách con người cư xử thế nào.”





Theo Tim Kelly, Kevin Buckland





Biên tập bởi Gerry Doyle