Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể nắm bắt toàn bộ tác động mà đại dịch COVID 19 mang lại, song có một điều rõ ràng rằng đại dịch toàn cầu này đã, đang và sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể đối với ngành công nghệ thông tin, ngành hiện mang đến những điểm sáng tích cực bằng việc mang đến kết nối cộng đồng cũng như hiệu quả công việc khi hàng tỷ người nay buộc phải ở nhà trước các lệnh phong tỏa và cách ly.
Hãy cùng GAMBARU điểm qua và hình dung về những bức tranh thay đổi sau.
Người ta dự đoán rằng cuộc sống thường nhật sẽ ngày càng được số hóa do số lượng các doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng áp dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến, các cuộc gọi và họp qua video, dạy học từ xa, thương mại điện tử đang lớn dần.
Nhóm những người vốn lảng tránh hay thờ ơ trước các dịch vụ trực tuyến trên nay sẽ bớt hoài nghi khi virus COVID 19 cho thấy mức độ quan trọng của của các nền tảng trực tuyến trong quá trình gián đoạn tương tác trực tiếp giữa người với người.
Người tiêu dùng, đặc biệt là những người đang làm việc từ xa sẽ nâng cấp tốc độ internet và thậm chí xem xét mua các gói sao lưu dữ liệu, chẳng hạn như điểm truy cập Wi-Fi từ nhà mạng di động.
Nhu cầu đối với các dịch vụ telehealth sẽ tăng vọt do các quy định nới lỏng của chính phủ nhằm đối phó với đại dịch.
Việc khám bác sĩ trực tuyến và các hình thức theo dõi từ xa khác được cho là có thể giúp giảm bớt khủng hoảng tại các bệnh viện, mang lại nhiều sự chăm sóc hơn cho nhiều bệnh nhân hơn.
Đồng thời, dự đoán rằng sẽ có nhiều viện dưỡng lão và hộ gia đình mua các thiết bị y tế được kết nối, từ đồng hồ đeo tay theo dõi sức khỏe đến hệ thống giám sát không dây có thể phát hiện chuyển động và các lần té ngã từ các thương hiệu lớn như Apple hay Kinsa v.v.
Khi việc hạn chế đi lại tiếp tục cản trở các doanh nghiệp, chúng ta sẽ thấy nhu cầu tăng vọt với các dòng kính thực tế ảo thông minh.
Kính có máy quay video và ống kính trong suốt, chuyển tải và hiển thị các thông tin kỹ thuật số sẽ là dòng phổ biến nhất.
Ở bức tranh tương lai này, làm việc từ xa vì thế sẽ trở nên dễ dàng hơn thông qua các cuộc họp trực tuyến được tạo ra giống như môi trường thật, chẳng hạn như dòng kính Hololens của ông lớn Microsoft.
Việc các nhà sản xuất bị tác động trước đại dịch dẫn đến doanh số giảm, làm đau đầu các nhà cung cấp robot công nghiệp như Kuka, ABB, Fanuc, Kawasaki và Yaskawa.
Nhưng trong những năm tới, sự thúc đẩy tự động hóa các nhà máy sẽ là động lực cho ngành công nghiệp robot quay trở lại.
Ngoài ra, một số robot chống virus đang chứng kiến nhu cầu cao hiện nay, chẳng hạn như robot di động của UVD Robots, có thể khử trùng phòng bệnh bằng ánh sáng cực tím. Công ty TMiRob sở hữu robot được sử dụng để khử trùng phòng bệnh viện ở Vũ Hán.
Tương lai cũng sẽ cần nhiều hơn các robot để di chuyển sản phẩm ở kho hàng và bệnh viện vì chúng có thể tự động hóa các quy trình.
Công ty Aethon có trụ sở tại Pittsburgh đã ra mắt robot có thể mang thuốc và thức ăn cho bệnh nhân, giúp tiết kiệm chi phí và tránh tiếp xúc vật lý.
Drone được xem là một nguồn lực quan trọng trong đại dịch hoặc một sự kiện gián đoạn tương tự.
Trung Quốc đã thử nghiệm sử dụng máy bay không người lái để vận chuyển thuốc, khử trùng các khu vực công cộng và cung cấp thực phẩm.
Tương lai, cảnh sát có thể sử dụng drone để giám sát và giải tán đám đông tại các khu vực bị phong tỏa.
Làn sóng hay cũng có người ví là một cuộc đại thử nghiệm: làm việc từ xa (remote working) được cho sẽ gieo hạt giống cho những cải tiến mới trong tương lai gần.
Các lập trình viên không hài lòng với các tính năng telework hiện tại sẽ có thôi thúc xây dựng những tính năng mới hiệu quả hơn.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng đón nhận các start-up làm việc từ xa hơn khi thấy được doanh nghiệp lớn và nhỏ có xu hướng chú trọng duy trì năng suất làm việc.
Hãy mong chờ những tính năng mới hữu ích để phục vụ cho sự thay đổi này, đáng chú ý nhất là từ hai nhà cung cấp lớn hiện tại Slack và Microsoft Teams, cũng như chờ đón các phần mềm và công cụ đột phá khác phục vụ học tập và phát triển kỹ năng từ xa.
Lược dịch từ kiplinger.com