Đại dịch COVID-19 đang mang đến những phong cách làm việc mới cho người dân Nhật Bản, khi giờ đây làm việc từ xa, khung giờ làm việc xen kẽ, và thậm chí làm việc bốn ngày trong tuần có thể trở thành những chuẩn làm việc mới.
Mời bạn cùng Gambaru theo dõi sự thay đổi này.
Sự lây lan của virus corona đã thúc đẩy các công ty tại Nhật lựa chọn làm việc từ xa, nhưng không phải mọi nhân viên đều muốn quay trở lại phong cách làm việc trước đây sau khi tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc đã được dỡ bỏ.
Cô Chihiro Oyama, 37 tuổi, nhân viên phụ trách phát triển nguồn nhân lực của NTT Data Corp ở Tokyo, cho biết: “Hiện giờ, tôi muốn được làm việc ở nhà 80%.”
Cô Oyama bắt đầu làm việc tại nhà lúc 7 giờ sáng cho đến trưa và dành phần còn lại của buổi chiều cho con. “Sau khi quen dần với lịch trình mới này, tôi đã có thể đạt được hiệu quả công việc như khi làm tại văn phòng”, cô chia sẻ.
Cô thường xuyên trao đổi email và trò chuyện trực tuyến nhưng“thật khó khi trao đổi công việc qua màn hình.”
Thay vào đó, cô cố gắng tích cực giao tiếp với đồng nghiệp vào những ngày lên công sở làm.
Từ tháng 6, công ty đưa ra chính sách là trên 50% nhân viên làm việc tại nhà và nhân viên làm tại văn phòng thì sẽ sắp xếp thời gian xen kẽ.
Anh Yuji Nomura, 39 tuổi, thuộc dự án phát triển trí tuệ nhân tạo tại NTT Data, bắt đầu đi làm muộn hơn thường lệ 30 phút.
Anh chia sẻ rằng khởi đầu ngày làm việc muộn hơn đã “giảm bớt căng thẳng” vì mình có thể tránh được đám đông trên các phương tiện giao thông công cộng.
Anh Nomura đang nghĩ đến việc làm việc ở nhà hai hoặc ba lần một tuần và điều chỉnh thời gian xen kẽ làm ở văn phòng trong tương lai.
Vào ngày 14 tháng 5, 2020, tuyên bố khẩn cấp được dỡ bỏ đối với hầu hết các khu vực tại Nhật Bản, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, hay Keidanren, đã kêu gọi các công ty thành viên xem xét áp dụng “các phong cách làm việc khác nhau” bao gồm làm việc từ xa, một tuần làm việc bốn ngày và giờ làm việc xen kẽ để giảm sự lây lan của virus, mong muốn biến những biện pháp này trở thành những thực tiễn lâu dài.
Tập đoàn Toshiba đã bắt đầu xem xét giới thiệu chính sách một tuần làm việc bốn ngày cho các văn phòng và nhà máy.
Các tập đoàn khác, như Hitachi Ltd. và Mitsubishi Electric, cho biết họ sẽ tiếp tục áp dụng chính sách làm việc tại nhà cho khoảng 50% nhân viên trong thời điểm hiện tại.
BellFace Inc., có trụ sở tại Tokyo, công ty cung cấp hệ thống hội nghị trực tuyến cho doanh nghiệp, kết nối người dùng qua điện thoại thông minh hoặc điện thoại cố định, đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng đối với các dịch vụ của mình.
Trong 4 năm rưỡi kể từ khi được thành lập, số lượng công ty sử dụng hệ thống này đã tăng từ 1.300 lên hơn 10.000 vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, khi BellFace tung ra một phiên bản miễn phí để giúp các công ty đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.
Danh mục khách hàng của họ vẫn chủ yếu ở khu vực thủ đô Tokyo, nhưng lượng tiêu thụ tăng lên, đặc biệt là ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như tỉnh Hokkaido, Osaka và Hyogo.
BellFace Inc. cho biết với dịch vụ này, tài liệu kinh doanh và danh thiếp có thể được chia sẻ trực tuyến.
Trong cuộc gọi giữa hai bên, đối tác ở đầu bên kia có thể xác định được vị trí của con chuột trên màn hình, giúp người dùng dễ dàng giải thích các tài liệu được chia sẻ.
Bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng sử dụng hệ thống mà không cần thao tác trước phức tạp, chẳng hạn khách hàng không bị bắt buộc phải chia sẻ link dẫn.
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ quan điểm rằng trở ngại lớn đối với việc đưa ra những cải cách làm việc từ xa như vậy là năng suất sẽ giảm khi nhân viên vắng mặt tại văn phòng.
Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Năng suất Nhật Bản, mặc dù hơn 60% số người muốn tiếp tục làm việc tại nhà sau khi đại dịch đã hạ nhiệt, song cũng có tỷ lệ phần trăm tương đương số người tham gia thừa nhận “hiệu quả công việc đã giảm sút”.
Nhiều ý kiến lo ngại về các rào cản khác như chia sẻ dữ liệu quan trọng không thể xem bên ngoài nơi làm việc và các vấn đề về môi trường giao tiếp.
Các công ty có thể sẽ buộc phải quyết định xem có nên đầu tư vào việc nâng cấp thiết bị hay không.
Theo Kyodo News