Đổ rác ở Nhật, tưởng dễ mà không dễ


Nhật Bản nổi tiếng là một quốc gia có môi trường trong lành, đường sá sạch sẽ và hoàn toàn không thấy bóng dáng của rác thải bừa bãi.





Đó là bởi vì rác thải ở Nhật được yêu cầu phân loại, xử lý vô cùng nghiêm ngặt và có rất nhiều quy định cần tuân thủ.





Thậm chí có nhiều người sống tại Nhật khá lâu rồi nhưng cũng chưa hẳn đã nắm rõ các quy định liên quan đến rác ở Nhật.





Vì thế, bên cạnh cách sử dụng tàu điện, việc phân loại và đổ rác ở Nhật chắc hẳn là một trong những vấn đề gây không ít khó khăn cho những ai lần đầu đặt chân đến Nhật Bản.





Kỳ này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những quy định về rác thải ở Nhật nhé!





Cách đổ rác ở Nhật





Ở Nhật Bản, rác được phân loại và thu gom theo ngày chứ không phải muốn đổ tùy ý như Việt Nam. Vì vậy, mỗi khi đổ rác, đầu tiên mọi người phải kiểm tra xem hôm nay được đổ loại rác nào, vào thời gian nào.





Lịch đổ rác của quận Chiyoda, Tokyo.
Lịch đổ rác của quận Chiyoda, Tokyo. Ảnh: Tác giả




Mỗi địa phương có lịch đổ rác và cách phân loại rác khác nhau.
Nếu đổ rác không đúng ngày, đúng giờ quy định, hoặc không phân loại rác sẽ bị phạt.





Thêm vào đó, túi rác của bạn cũng không được thu gom mà phải tự đem về phân loại lại, chờ tới lịch đổ rác tiếp theo mới được đem đi đổ.





Khi đổ rác, sau khi bỏ rác vào bao, bạn nhớ buộc chặt miệng túi để các nhân viên vệ sinh có thể thu gom một cách dễ dàng nhé.





Phân loại rác ở Nhật





Sau khi biết được lịch đổ rác rồi thì chúng tay hãy cùng tìm hiểu cách phân loại rác.





Tùy theo từng vùng, từng khu vực mà phân loại khác nhau, tuy nhiên về cơ bản, rác thải tại Nhật được chia thành các loại chính là: rác cháy được, rác không cháy được, chai/lọ & vỏ đồ hộp, rác có hại và các loại rác kích thước lớn.





1. Rác cháy được





“Rác cháy được” tiếng Nhật gọi là “Moeru Gomi” (燃えるゴミ) hoặc là “Ka-nen Gomi” (可燃ゴミ). Từ tên gọi hẳn là bạn cũng có thể dễ dàng hình dung ra đây là những loại rác nào đúng không?.





“Rác cháy được” thường là các loại rác hữu cơ như thức ăn, vỏ trái cây, giấy báo, tạp chí, rác thải có chất liệu từ thiên nhiên như bằng da (thắt lưng, túi, ví nhỏ), bằng gỗ (đũa, muỗng), hay các sản phẩm từ cao su,…





Bên cạnh đó, giấy báo cũ/ thùng carton (紙類・ダンボール) cũng được coi là “Rác cháy được”.





Tuy nhiên tuỳ khu vực, loại rác này sẽ được yêu cầu gom lại và thu riêng vào 1 ngày quy định trong tháng. Chú ý là rác giấy phải được xếp gọn và buộc dây theo từng loại trước khi mang vứt.





Rác cháy được.
Rác cháy được. Ảnh: Shibuya City Office




2. Rác không cháy được





“Rác không cháy được” tiếng Nhật gọi là “Moenai Gomi” (燃えないゴミ) hoặc “Fu-nen Gomi” (不燃ゴミ).





“Rác không cháy được” bao gồm: đồ dùng gia đình, những sản phẩm bằng kim loại, thuỷ tinh, ví dụ như nồi, chảo, cốc, lọ hoa, gương cầm tay, ô, móc treo quần áo…





Một số loại khác như nắp chai uống nước, chai lọ dầu gội, sữa tắm, các loại cốc/ hộp đựng bằng xốp, vỏ túi nilon,…





Lưu ý các loại chai lọ cần phải được rửa, tráng sạch sẽ và đập dẹp trước khi vứt đi. Tùy từng địa phương sẽ có một số nơi coi các hộp đựng/ chai nhựa là rác cháy được.





Rác không cháy được.
Rác không cháy được. Ảnh: Edogawa City




3. Chai / lọ và các vỏ đồ hộp





Tại Nhật, tại các cửa hàng tiện lợi, hay đặc biệt là bên cạnh những máy bán nước tự động trên đường, bạn sẽ bắt gặp những thùng rác chỉ cho bỏ vỏ lon hoặc chai nước uống mà thôi.





Chai nhựa bên Nhật gọi là Pet Bottle (ペットボトル) là những chai đựng đồ uống có ký hiệu PET, trước khi vứt rác phải tháo nhãn dính và nắp, rửa qua.





Lưu ý là nắp cũng bỏ riêng chứ không giữ nguyên theo chai nhé.





Các loại lọ thuỷ tinh đựng đồ dạng lỏng (đồ uống, dầu ăn, nước chấm v.v) cần phải rửa qua trước khi vứt.





Các loại lon/ vỏ đồ hộp, lọ keo xịt tóc (びん・缶)





Hãy để ý tên tiếng Nhật phân loại các loại chai, lọ để vứt rác đúng nơi quy định nhé.





Cách đổ các loại rác chai/lọ.
Cách đổ các loại rác chai/lọ. Ảnh: Nakano Ward Office




Thùng rác bên Nhật
Thùng rác bên Nhật. Ảnh: nihongonosensei




4. Rác có hại





“Rác có hại” tiếng Nhật gọi là “Yugai Gomi (有害ゴミ), bao gồm các loại bóng đèn, pin, các sản phẩm có chứa thuỷ ngân hay bật lửa,… . Loại rác này thông thường được quy định 1 tháng vứt 1 lần.





Khi vứt các loại rác này cần bọc lại bằng túi riêng cẩn thận và ghi chú “Kiken mono” (危険もの: đồ nguy hiểm).





Nếu có vỏ hộp, bạn có thể cho lại vào vỏ hộp của sản phẩm và vứt, còn không thì cho vào túi đựng rác có hại (có thể mua tại siêu thị) theo quy định của địa phương.





Các loại rác có hại
Các loại rác có hại. Ảnh: Shiwa Town




5. Các loại rác kích thước lớn





“Rác kích thước lớn” tiếng Nhật là “Sodai Gomi” (粗大ゴミ). “Rác kích thước lớn” bao gồm những đồ dùng gia đình như giường, đệm, bàn, ghế, quạt, lò sưởi, bếp, xe đạp v.v.





Tuỳ từng địa phương sẽ quy định kích thước bao nhiêu thì được phân loại thành rác cỡ lớn (thông thường vượt quá 30 cm hoặc 50cm được coi là rác cỡ lớn).





Loại rác này có cách xử lý và thu gom riêng. Và một điều đặc biệt nữa là tại Nhật bạn sẽ phải tốn một khoản chi phí để xử lý những loại rác cỡ lớn này đó.





Các loại rác kích thước lớn
Các loại rác kích thước lớn. Ảnh: Itako City




6. Cách xử lý khi không biết phân loại rác vào đâu





Thông thường trên thùng rác, sẽ có tên loại rác cũng như có một số hình minh họa cho biết thùng rác đó được bỏ loại rác nào.





Nhưng trong quãng thời gian mình trải nghiệm cuộc sống tại Nhật, không ít trường hợp không biết phải vứt rác thế nào cho đúng vì không có hình minh họa cũng như không chắc là loại rác nào





Trường hợp này, cách nhanh nhất là hỏi những người xung quanh để được hướng dẫn. Đừng thấy người Nhật lạnh lùng mà ngại hỏi nhé, họ sẽ trả lời các bạn rất thân thiện và nhiệt tình đó.





Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm bên Nhật đều có ghi chất liệu trên bao bì, thân sản phẩm. Nên bạn cũng có thể quay phần mặt sau của sản phẩm và xem sản phẩm sử dụng chất liệu gì, từ đó suy ra nó thuộc loại rác nào.





Cách phân loại và đổ rác tại Nhật cũng khá phức tạp phải không các bạn.





Nhưng khi thực hiện đúng theo quy định phân loại và đổ rác thì sẽ giúp bảo vệ môi trường chính xung quanh chúng ta xanh, sạch, đẹp hơn.





Mong là qua bài viết trên sẽ giúp các bạn phần nào đỡ bỡ ngỡ với việc đổ rác tại Nhật nhé.





Theo Vy Vật Vờ, Tea