Tiếp tục cập nhật về những tác động của đại dịch COVID-19 lên giới công nghệ hay kế hoạch remote work của các doanh nghiệp công nghệ trong năm nay, Gambaru mời bạn theo dõi những dự đoán về xu hướng làm việc nói chung trong tương lai.
Tôi đang nhâm nhi ly cà phê tại một quán vỉa hè ở Belgrade, thủ đô Serbia.
Nơi đây đang ở giai đoạn hậu COVID, mọi người ra ngoài, ăn uống, cười đùa, và đáng ngạc nhiên là chẳng hề đeo khẩu trang.
Tôi nhớ về mùa hè hai năm trước ở đây.
Vào thời điểm đó, tôi nghĩ rằng những gì mình đang làm là vô cùng cấp tiến – một kẻ du mục kỹ thuật số làm việc toàn thời gian và chu du khắp thế giới.
Tôi đã tin rằng bản thân là bằng chứng cho thấy văn hóa văn phòng sẽ tuyệt chủng, và bị thống trị bởi làm việc từ xa.
Những người ủng hộ làm việc từ xa như tôi thay vì truyền cảm hứng cho mọi người rằng remote work chính là tương lai, chúng tôi lại đang chiến đấu theo một kiểu khác, một cuộc chiến chống lại đại dịch COVID toàn cầu và cuối cùng sẽ thuyết phục được giới tinh hoa công nghệ áp dụng hoàn toàn chính sách remote work.
Những gã khổng lồ bao gồm Facebook, Google, Coinbase, Twitter và 74% các công ty khác (như được tiết lộ trong một cuộc khảo sát gần đây của Gartner) đang lên kế hoạch thực hiện và duy trì làm việc từ xa trong năm nay.
Sự kiện mang tính bước ngoặt này giết chết văn hóa công sở và tất cả các bằng chứng cho thấy rằng remote work đang là hiện thực, buộc chúng ta đặt ra câu hỏi: “Tương lai thì sao?”
Một nghiên cứu của Gallup cho thấy sự linh hoạt là chìa khóa để giữ chân nhân viên. 53% nhân viên nói rằng sự cân bằng cuộc sống-công việc và hạnh phúc cá nhân là “rất quan trọng” đối với họ khi xem xét có nên nhận một công việc mới hay không.
Bước tiếp theo trong tính linh hoạt đó là các cách tiếp cận mới đối với việc làm như sự tham gia của nhân viên bán thời gian, freelancer và contractor làm việc theo dự án.
Đối với nhân viên bán thời gian, tùy chọn này cho phép họ có thể kiểm soát việc ưu tiên công việc bên cạnh những việc như chăm sóc sức khỏe, chăm lo cho con cái, cha mẹ hoặc đơn giản là có nhiều thời gian cá nhân hơn.
Đối với các công ty, điều này mang đến khả năng giữ chân nhân tài hàng đầu với các mục tiêu nghề nghiệp thay đổi và tạo ra thành công cho dự án với ít tài nguyên hơn.
Đối với nhân viên freelancer và contractor, việc có nhiều kênh để sử dụng chuyên môn của họ sẽ tăng tính linh hoạt trong công việc, giúp kích thích sự sáng tạo, mang lại nhiều quyền kiểm soát hơn và cơ hội khám phá những sở thích mới.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, làm việc từ xa mang lại nguồn chuyên môn bổ sung trong việc giải quyết các khó khăn kinh doanh, tạo môi trường chia sẻ kiến thức về các vấn đề kinh doanh không nhạy cảm, không cần bảo mật đồng thời cho phép phản hồi và đổi mới từ việc đặt câu hỏi về các giả định cách vận hành doanh nghiệp.
Giống như việc nhân viên có thể lựa chọn làm việc cho nhiều công ty, doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ việc có nhiều người làm cùng một công việc.
Chia sẻ công việc (job-sharing, work-sharing) là một hệ thống trong đó một công việc trước đây thường do một người đảm nhiệm nay được phân chia giữa hai người, và điều này ngay lập tức mang đến nhiều lợi ích vì “hai cái đầu vẫn tốt hơn một”.
Có nhiều cách khác nhau để phân chia vai trò, dựa trên đam mê, thế mạnh, chuyên môn và kiến thức cụ thể của nhân viên hoặc bằng cách tập trung vào việc kết hợp hai quan điểm đa chiều, chẳng hạn như các thành viên trong team đa thế hệ hoặc đa văn hóa.
Cuối cùng, bước tiếp theo trong cuộc cách mạng này sẽ là đặt câu hỏi đối với các giả định về mô hình nhân viên toàn thời gian truyền thống và tìm các tùy chọn có lợi cho công ty và những người xây dựng chúng.
Trong tương lai, các công ty thành công nhất sẽ phát triển mô hình của họ để đón nhận nhiều người tham gia phát triển công việc nội bộ bao gồm nhân viên toàn thời gian, chuyên gia tư vấn, freelancer và nhân viên bán thời gian.
Tất nhiên, có những thứ cần thay đổi trong hệ thống hiện tại của chúng ta để hiện thực hóa tương lai này.
Một ví dụ đó là việc tách phúc lợi y tế khỏi chế độ làm việc, và dường như đây là một gánh nặng đặc trưng của người Mỹ.
Rộng hơn nữa là việc tái cơ cấu hỗ trợ của chính phủ đối với doanh nghiệp và các dịch vụ được cung cấp cho loại hình này.
Nếu có thể thực hiện các bước để tạo ra những thay đổi đó và khuyến khích nhiều nhóm làm việc toàn diện hơn, chúng ta có thể bắt đầu phong trào “Việc làm tương lai” tiếp theo và tôi hy vọng chúng ta không cần một thảm họa toàn cầu khác nữa để biến điều này thành hiện thực!
Theo Ali Greene