Mười một năm sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima, chính phủ đã dỡ bỏ một số lệnh sơ tán đối với các thị trấn và làng mạc gần nhà máy, nhưng công tác tái thiết các cộng đồng từng phát triển mạnh không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Ông Kawamura Hiroshi là một trong số hơn 2.000 người buộc phải rời khỏi thị trấn Namie sau sự cố nóng chảy hạt nhân ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1. Đất nông nghiệp của ông chỉ cách nhà máy có 7km.
Hai năm sau thảm họa, khi giới chức chỉ cho phép mọi người ra vào trong ban ngày, ông Kawamura trở về và thử trồng rau. Năm sau đó, ông chuyển sang trồng hoa vì cảm thấy hoa sẽ góp phần mang lại niềm vui cho mọi người.
Ông cho biết: “Khi mọi người trở lại thị trấn để dọn dẹp nhà cửa và viếng mộ gia đình, tôi nghĩ nếu được nhìn thấy những bông hoa đẹp thì tốt hơn là chỉ thấy cảnh hoang tàn“.
Đó là một khởi đầu cô đơn.
Ngay cả khi chính quyền dỡ bỏ hoàn toàn lệnh sơ tán trên 20% thị trấn vào năm 2017, trong đó có cả trang trại của ông, nhiều cư dân cũ đã chọn không quay trở lại. Dân số của Namie vẫn chỉ bằng 10% so với trước thảm họa. Một yếu tố khiến mọi người do dự là ở đây thiếu việc làm.
Ông Kawamura nghĩ rằng ngành nghề mới của mình mở ra một con đường phía trước cho Namie.
Ông sẽ khuyến khích những người khác tham gia nghề trồng hoa để tạo dựng danh tiếng mới tích cực hơn cho Namie.
Ông nói: “Nếu mọi người có thể chuyển đến đây và chúng tôi xây dựng ngành công nghiệp hoa, tôi nghĩ sẽ tạo được sự khích lệ cho khu vực. Đặc biệt, tôi mong những người trẻ tuổi đến và thành công tại đây“.
Hiện mỗi năm ông giao hoa cho hơn 200.000 đơn hàng.
Và ông không còn là người duy nhất trong thị trấn làm nghề này.
Hiện đã có 7 trang trại trồng hoa, 3 trang trại nữa đang được triển khai, và ông Kawamura đã đào tạo nhiều người có liên quan.
Anh Watase Masanori và vợ là chị Megumi trước sống ở Kanagawa, gần Tokyo. Anh chị đến làng Kawauchi ở Fukushima để giúp một nông dân trồng nho. Sau khi nghe được về ông Kawamura và ngành trồng hoa nở rộ ở Namie, anh chị đã chuyển hẳn đến đây, thuê đất và xây dựng nhà kính.
Hai vợ chồng nói rằng đã chuẩn bị sẵn sàng để bắt đầu trồng hoa cát tường từ tháng 4.
Anh Masanori nói: “Mục tiêu của chúng tôi là trở thành nông dân trồng hoa thành công, và khuyến khích thêm nhiều người ở các khu vực khác đến Namie“.
Ông Kawamura đã tạo dựng được danh tiếng với các sản phẩm chất lượng cao, các loại hoa của ông như dạ yến thảo và cúc vạn thọ bán được giá cao trên khắp Nhật Bản.
Mặc dù không chính thức nêu tên người trồng, nhưng những bông hoa cát tường từ Fukushima đã được sử dụng trong bó hoa trao tặng vận động viên giành huy chương tại Olympic và Paralympic Tokyo 2020.
Những người cùng trồng hoa với ông Kawamura hy vọng có thể noi theo thành công của ông và biến một thị trấn mới đây còn là nơi không thể sinh sống trở thành biểu tượng của sự hồi sinh thịnh vượng.
Nguồn: www3.nhk.or.jp