Phỏng vấn công ty Mỹ và Nhật khác nhau thế nào?


Chắc hẳn đã có lúc bạn tò mò phỏng vấn tại các công ty công nghệ của Nhật và Mỹ khác nhau như thế nào?





Sự khác biệt giữa hai nền văn hóa ảnh hưởng tới tiêu chí tuyển chọn của mỗi công ty, và việc nắm rõ sự khác biệt này sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để có kết quả phỏng vấn tốt nhất.





Hãy cùng Gambaru khám phá một số điểm nổi bật để thêm vào bộ bí kíp chinh phục nhà tuyển dụng nhé!





Phỏng vấn công ty Nhật





Cử chỉ tinh tế và chuẩn mực được đánh giá cao - Phỏng vấn công ty Nhật
Cử chỉ tinh tế và chuẩn mực của ứng viên luôn được các công ty Nhật đánh giá cao. Ảnh: Canva




1. Phong thái





Người Nhật thường quan trọng hình thức lễ nghi, do đó họ đánh giá ứng viên rất tinh tế thông qua các cử chỉ hành động ngay khi bạn xuất hiện tại công ty.





Trang phục của bạn có gọn gàng lịch sự? Bạn trao đổi danh thiếp có đúng cách và thể hiện sự tôn trọng đối với thẻ được trao?





Ngay cả tư thế khi ngồi trong phòng chờ và khi phỏng vấn? Tất cả đều được người Nhật đánh giá bạn có thực sự phù hợp với công ty họ hay không, vì thế hãy lưu ý nhé.





2. Câu hỏi cá nhân





Đừng bất ngờ nếu người Nhật hỏi các câu hỏi cá nhân như tình trạng hôn nhân, gia đình của bạn, mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai là gì?





Đó là cách họ tìm hiểu xem bạn có thực sự phù hợp với công ty hay không?





Bạn nên đưa ra các câu trả lời đơn giản, rõ ràng và không phô trương nhé.





3. Thể hiện sự gắn bó lâu dài





Sự thật là công ty Nhật sẽ có ấn tượng tốt đối với những ứng viên có mong muốn gắn bó làm việc lâu dài.





Họ chú trọng mức độ phù hợp với team hiện tại.





Vì thế bạn hãy tìm hiểu về công ty, lĩnh vực kinh doanh và vị trí ứng tuyển. Điều này thể hiện mức độ quan tâm và hứng thú thật sự của bạn đối với công ty.





4. Khiêm tốn





Văn hóa của công ty Nhật thường hướng đến tính tập thể. Họ thích sự khiêm tốn và đề cao hiệu suất đội nhóm.





Do đó khi bạn khoe khoang đôi khi sẽ có thể gây ra cái nhìn tiêu cực. Vì thế hãy khiêm tốn khi chia sẻ nhé!





5. Kiên nhẫn





Người phỏng vấn có thể sẽ hỏi bạn những câu hỏi mà trước đó họ đã hỏi rồi, mục đích để kiểm tra tính nhất quán của bạn.





Bạn có thể thêm dần thông tin mới khi được hỏi lại, nhưng hãy chắc chắn rằng bản chất câu trả lời của bạn không đổi.





6. Đừng quên vai trò của Controller





Vai trò của Controller khi phỏng vấn với công ty Nhật
Đừng quên sự giúp sức quan trọng của Controller trong buổi phỏng vấn. Ảnh: GEMS Blog – GNT




Cuộc phỏng vấn tại công ty Nhật thường có sự tham gia của Controller/ IT Comtor – những bạn thông dịch viên tham gia hỗ trợ phỏng vấn.





Họ chính là cầu nối trong dự án, người truyền đạt thông tin.





Controller có thể chưa hiểu sâu sắc về kỹ thuật nên bạn hãy trả lời đúng trọng tâm, ngắn gọn và dễ hiểu để các bạn ấy dịch chính xác nhất những gì bạn muốn trình bày.





Và đừng quên tương tác (eyes contact) với những người xung quanh để bầu không khí bớt căng thẳng.





Phỏng vấn công ty Mỹ





Làm nổi bật giá trị bản thân khi phỏng vấn công ty Mỹ
Hãy làm nổi bật giá trị của bạn khi tham gia phỏng vấn. Ảnh: Canva




1. Làm nổi bật giá trị của bạn





Khi được yêu cầu giới thiệu bản thân, thường bạn sẽ nói về trình độ học vấn, sơ bộ kinh nghiệm làm việc và nhanh chóng kết bài bằng câu kinh điển “That’s all”.





Vậy làm thế nào để triển khai được câu chuyện kế tiếp thêm thú vị?





Pro Tips: Bạn cần dẫn dắt và kết nối kinh nghiệm của bản thân đến việc mình sẽ giúp ích được gì tới dự án mà công ty đang tìm kiếm. Đó chính là điều mà các công ty Mỹ cực kỳ ấn tượng.





Ví dụ: Bạn có thể giới thiệu, tôi là một lập trình viên Java xuất sắc và tôi đã hoàn thành 2 dự án gần đây khá tâm đắc. Sau đó họ sẽ hỏi về dự án này, đã đến lúc bạn đi vào chi tiết nhé.





Hãy thể hiện khả năng chuyên sâu về kỹ thuật, những thử thách mà bạn đã trải qua trong dự án. Chắc chắn sẽ ghi điểm với người phỏng vấn.





2. Định lượng những con số liên quan đến kinh nghiệm bản thân





Bạn đã quản lý bao nhiêu người? Tham gia vào bao nhiêu dự án?





Các dự án bạn tham gia đã đạt được những kết quả gì (KPI)?





Định lượng những con số gắn liền với kinh nghiệm bản thân sẽ giúp phần tự PR của bạn có sức thuyết phục hơn trong mắt nhà tuyển dụng.





3. Phong thái tự tin





Văn hóa của công ty Mỹ thường có xu hướng chú trọng hiệu suất cá nhân.





Do đó việc bạn khoe đôi chút về các thành tích mình đạt được, sẽ không vấn đề gì mà còn trở thành điểm cộng nữa đó.





Và hãy luôn nhớ rằng tiêu chuẩn cao luôn đi liền với sự khắt khe trong tuyển chọn. Vì thế, bạn nên chuẩn bị tinh thần với “hơi nhiều” vòng phỏng vấn một chút nhé.





Ngoài ra, nụ cười và sự thân thiện luôn là điểm cộng và tạo ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng.





Hãy cởi mở và vui vẻ khi bắt đầu cuộc phỏng vấn nhé. Mọi chuyện sẽ ổn thôi mà.





Nụ cười và sự thân thiện là điểm cộng khi phỏng vấn công ty Mỹ
Nụ cười và sự thân thiện luôn là điểm cộng trong buổi phỏng vấn. Nguồn: JWUONLINE




4. Những câu hỏi linh hoạt





Người Mỹ thường sẽ không hỏi theo từng mục trong CV của bạn, họ thường sẽ hỏi những câu hỏi xoay quanh những gì bạn đã làm, những khía cạnh khác để đánh giá mức độ linh hoạt, khả năng giải quyết vấn đề và tiếp thu những cái mới.





Đặc biệt với dân kỹ thuật, khi được hỏi đến những phần kiến thức mà bạn có lỡ quên mất, hãy linh hoạt đưa ra giải pháp để giải quyết. Điều này cực kỳ ấn tượng.





5. Trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề





Người Mỹ kỳ vọng thông tin quan trọng nhất của câu trả lời xuất hiện ngay từ đầu. Hãy ngắn gọn và đúng ý họ muốn hỏi.





6. Ngôn ngữ





Tiếng Anh là một trong những yếu tố giúp bạn có một buổi phỏng vấn thành công tại công ty Mỹ.





Nếu đã tự tin với trình độ ngoại ngữ của mình thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn chưa thực sự tự tin về khoản này, nên luyện tập trước gương. Trong buổi phỏng vấn nên nói với tốc độ chậm rãi, rõ ràng.





Đừng cố gắng nói quá nhanh, vì người phỏng vấn sẽ đẩy nhanh hơn tốc độ nói. Phần nào chưa nghe rõ, hãy mạnh dạn hỏi lại kỹ nhé.





Tạm kết





Dù bạn đang muốn ứng tuyển vào công ty Nhật hay công ty Mỹ thì một thái độ tốt với tinh thần tích cực luôn là điểm cộng lớn.





Nhà tuyển dụng sẽ luôn mong muốn một ứng viên tràn đầy năng lượng, vui vẻ tham gia vào đội ngũ của mình. Hãy tự tin và tìm hiểu kỹ về công ty cũng như dự án bạn đang ứng tuyển.





Mỗi cuộc phỏng vấn sẽ là một lần trải nghiệm và thử thách bản thân và chắc chắn sẽ cho bạn thật nhiều kinh nghiệm!





Nguồn: GNT