Tàu điện Nhật Bản – Kì 1: Các loại tàu và cách mua vé


Chắc hẳn bạn biết rằng tàu điện là một trong những phương tiện công cộng hiện đại, phổ biến và được hầu hết người dân Nhật Bản sử dụng hàng ngày.





Còn đối với những ai lần đầu tiên đặt chân tới đất nước mặt trời mọc thì Gambaru tin rằng không thể tránh khỏi cảm giác “lạc trôi” khi trải nghiệm thực tế hệ thống tàu điện nơi đây.





Kỳ này, Gambaru xin giới thiệu một số thông tin cơ bản để bạn không bỡ ngỡ khi sử dụng tàu điện ở Nhật nhé.





Các loại tàu ở Nhật





Hiện tại, Nhật Bản có 5 loại tàu phổ biến, khác nhau về số lượng ga dừng và tốc độ.





Ngoại trừ tàu cao tốc Shinkansen có thiết kế đặc biệt, thì các loại tàu khác có vẻ ngoài không khác biệt quá nhiều và cần đọc chữ chạy trên đầu hoặc ngang các toa tàu để phân biệt.





Tàu thường (Local/Kakueki-teisha/Futsu-densha)





Bên ngoài sẽ hiện chữ 普通 hoặc Local để phân biệt. Tàu sẽ dừng lại ở tất cả các trạm trong tuyến.





Tàu thường (Local/Kakueki-teisha/Futsu-densha)
Tàu thường (Local/Kakueki-teisha/Futsu-densha). Ảnh: shikishimamizukaze




Tàu nhanh (Rapid/Kaisoku)





Trên tàu sẽ hiển thị chữ 快速 hoặc Rapid để phân biệt. Tàu sẽ bỏ qua một số trạm trong tuyến để đi nhanh hơn.





Tàu nhanh (Rapid/Kaisoku)
Tàu nhanh (Rapid/Kaisoku). Ảnh: Wikipedia Japan




Tàu tốc hành (Express/Kyuko)





Trên tàu sẽ hiển thị chữ 急行hoặc Express để phân biệt.





Cũng là một loại tàu nhanh, nhưng sẽ nhanh hơn tàu Rapid bằng cách bỏ qua nhiều trạm hơn, và có trường hợp giá sẽ mắc hơn.





Tàu tốc hành (Express/Kyuko)
Tàu tốc hành (Express/Kyuko). Ảnh: 641000 Blog




Tàu tốc hành đặc biệt (Limited Express/Tokkyu)





Trên tàu sẽ hiển thị chữ 特急 hoặc Limited Exp để phân biệt. Cũng là một loại tàu nhanh, nhưng thường sẽ dừng ở các ga chính thôi, nên thời gian đi sẽ nhanh hơn nhiều, giá vé cũng cao hơn.





Tàu tốc hành đặc biệt (Limited Express/Tokkyu)
Tàu tốc hành đặc biệt (Limited Express/Tokkyu). Ảnh: Photozou




Tàu cao tốc Shinkansen (Super Express)





Là loại tàu cao tốc nhanh nhất, vận tốc có thể lên tới 300km/h.





Tàu cao tốc Shinkansen được thiết kế với với chiếc đầu tàu như hình con thú mỏ vịt và các nguyên liệu đặc biệt để có thể tận dụng vận tốc tối đa.





Để tìm và phân biệt nơi bán vé của tàu Shinkansen, bạn hãy để ý khu vực có chữ 新幹線 hoặc Shinkansen.





Tàu cao tốc Shinkansen (Super Express)
Tàu cao tốc Shinkansen (Super Express). Ảnh: Tuduri




Có một số trường hợp, dù cùng 1 con tàu đó nhưng sau khi đến ga cuối thì sẽ đổi thành tuyến khác, hoặc đổi sang loại tàu khác để đi tuyến khác. Nên bạn cần chú ý kẻo tốn thêm tiền nhé.





Cách mua vé tàu





Có rất nhiều cách mua vé để lên tàu điện. Bạn có thể mua vé tàu điện tại quầy/văn phòng bán vé, máy bán vé tự động, mua online hoặc sử dụng thẻ IC trả trước.





Hai cách phổ biến nhất là mua vé tàu tại quầy bán vé tự động và sử dụng thẻ IC. Nếu không rành tiếng Nhật, có thể tới trực tiếp quầy bán vé để được hỗ trợ.





Mua vé tại quầy bán vé tự động





Cách này phù hợp nếu bạn chỉ tới Nhật trong khoảng thời gian ngắn, không muốn đăng ký thẻ IC hay chỉ đơn giản là muốn trải nghiệm cảm giác mua vé tại quầy bán vé tự động.





Bước 1: Dựa vào ga hiện tại để dò ga cần tới và giá vé theo sơ đồ tuyến và bảng giá. Sơ đồ tuyến và bảng giá này thường được đặt gần máy bán vé tự động, rất dễ thấy.





Sơ đồ tuyến ở nhà ga Kitasenju
Sơ đồ tuyến ở nhà ga Kitasenju. Ảnh: Wikipedia Japan




Theo như trong hình, ô màu vàng là ga hiện tại (ga Kitasenju), ở mỗi ga sẽ các con số tương ứng với giá tiền nếu đi từ ga Kitasenju đến ga đó.





Ví dụ, ở ga Asakusa (ô đầu tiên của line màu cam) hiện số “200”, có nghĩa là từ ga Kitasenju đi đến ga Asakusa sẽ tốn 200 yên (khoảng 43.000đ). Nên khi mua vé, bạn cần mua vé trị giá 200 yên.





Bước 2: Đến quầy bán vé tự động, chọn số người và giá tiền phù hợp. Nếu bạn không biết tiếng Nhật thì cũng đừng lo nhé, có thể lựa chọn ngôn ngữ hiển thị là tiếng Anh đó.





Quầy bán vé tự động
Quầy bán vé tự động. Ảnh: Wikipedia Japan




Bước 3: Bỏ tiền vào khe thanh toán. Trả bằng tiền giấy, tiền xu, hoặc kết hợp cả 2 cũng được luôn.





Bước 4: Sau khi thanh toán, vé và tiền thừa (nếu có) sẽ tự động chạy ra. Công việc của bạn bây giờ là chỉ cần lên tàu thôi.





Lưu ý:





Bạn nhớ giữ vé cẩn thận trong quá trình di chuyển nhé. Vì khi tới ga đến, bạn sẽ phải cho vé vào phần cửa soát vé 1 lần nữa để ra khỏi khi vực tàu điện. Nếu làm mất vé trong quá trình di chuyển thì sẽ phải tới quầy thủ tục soát vé để giải quyết đấy.





Quầy bán vé tàu điện tự động tại Nhật
Quầy bán vé tàu điện tự động tại Nhật. Ảnh: railroadtraveler




Mua IC Card





Thẻ IC là thẻ từ, không chỉ sử dụng cho việc thanh toán chi phí tàu điện, xe buýt mà còn có thể dùng để thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi (Seven Eleven, Family Mart, Circle K…) hoặc các tiệm ăn, cửa hàng, v.v





Thủ tục đăng ký và nhận thẻ IC ở các ga tàu rất nhanh chóng và dễ dàng. Sau khi nạp tiền thì sử dụng được ngay.





Nếu dùng thẻ IC thì bạn không cần mua vé mà chỉ cần đặt thẻ lên vị trí quẹt thẻ IC tại cổng soát vé, hệ thống sẽ tự động trừ tiền vé tương ứng quãng đường bạn đã di chuyển ở cửa ra.





Tuỳ theo tuyến hay loại tàu mà còn được giảm giá nữa. Vô cùng tiện lợi phải không!





Các loại IC card thường dùng tại Nhật
Các loại IC card thường dùng tại Nhật. Ảnh: kakakumag




Cách vào cổng soát vé





Cổng soát vé
Cổng soát vé. Ảnh: tetsudo-shimbun.com




Để vào được khu vực bên trong và lên được tàu thì chúng ta phải đi qua cổng soát vé. Thường thì 1 ga có rất nhiều cổng, 1 cổng thì có nhiều làn như hình trên.





Bạn để ý là 1 số làn có chữ IC thì nghĩa là chỉ có thể dùng thẻ IC ở làn đó thôi nhé, không dùng vé giấy được. Còn làn nào không có thì có thể dùng vé thường và thẻ IC được luôn.





Đối với vé giấy, ở cổng vào bạn sẽ đút vé vào khe có chữ 投入口 (khe đút vào) hoặc きっぷ (ticket) rồi đi qua thanh chắn và nhận lại vé.





Bạn nhớ giữ kỹ vé nhé, vì ở cổng ra bạn phải đút vé vào lại thì mới ra được đấy.





Đối với thẻ IC, bạn chỉ cần quẹt thẻ lên chỗ cảm biến (gờ xanh xanh có chữ IC như trong hình) lúc vào và lúc ra là được. Thật nhẹ nhàng nhỉ!





Cổng soát vé (trái: vé giấy, phải: thẻ IC)Cổng soát vé (trái: vé giấy, phải: thẻ IC)Cổng soát vé (trái: vé giấy, phải: thẻ IC)
Cổng soát vé (trái: vé giấy, phải: thẻ IC). Ảnh: seiburailway




Ở cổng ra, khi bạn quẹt thẻ IC xong thì trên màn hình cổng soát vé sẽ hiện số tiền còn lại trong thẻ nữa đấy.





Hiển thị số tiền còn lại trong thẻ
Hiển thị số tiền còn lại trong thẻ. Ảnh: Wikipedia Japan




Thế là bạn đã mua được vé tàu rồi đó. Giờ chỉ còn lên tàu để vi vu thôi.





Kỳ sau, Gambaru sẽ bật mí vài mẹo đi tàu điện ở Nhật nhanh nhất, tiện lợi nhất nếu bạn có cơ hội được trải nghiệm “ma trận” này nhé.





Xem Kì II: Mẹo chọn toa tàu





Theo Vy Vật Vờ, Tea