Tàu điện Nhật Bản – Kì 2: Mẹo chọn toa tàu


Ở kỳ trước, chúng ta đã mua được vé tàu và đã vào được bên trong sảnh đợi tàu rồi. Kỳ này Gambaru sẽ chia sẻ với các bạn mẹo chọn toa tàu nhé. 





Xem lại Kì I: Các loại tàu và cách mua vé





“Lên toa nào mà chẳng tới bến. Sao phải cần băn khoăn chọn toa tàu?”. Chắc bạn đang tự hỏi như vậy phải không nào? Để Gambaru giải thích nhé.





Tại các ga lớn ở Tokyo hay Osaka thường rất rộng, có rất nhiều cổng ra, nhiều thang bộ/thang máy.





Nhiều trường hợp sau khi xuống tàu phải đi bộ khá xa để tìm thang máy/thang bộ hay cổng ra, mà không phải lúc nào cũng tìm được ngay, nên nếu bạn phải chuyển tàu ngay sau đó thì có khi sẽ không kịp.





Một đoàn tàu bên Nhật gồm rất nhiều toa.





Dù cùng một chuyến nhưng có khi số toa của đoàn tàu vẫn khác nhau tuỳ theo thời gian, loại tàu.





Vì gồm nhiều toa như vậy nên hiển nhiên là khu vực đứng chờ lên tàu cũng trải dài dọc theo ga tàu.





Do đó, nếu chọn đúng toa thì bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức để đến được cổng ra cần đến.





Cách chọn toa tàu tiện nhất





Trước khi lên tàu, bạn thử tìm xung quanh xem có nơi nào dán bảng như này không?





Cách chọn toa tàu
Cách chọn toa tàu. Ảnh: Tác giả




Trên bảng này sẽ có nhiều thông tin, nhưng chúng ta chỉ cần quan tâm các thông tin liên quan đến ga và toa tàu thôi.





Cách xem:





  • Cột ngoài cùng bên trái là các ga tàu theo thứ tự. Ga mình đang đứng thường sẽ được đánh dấu cho nổi bật.
  • 1 ô tương ứng với 1 toa tàu, và có đánh số thứ tự toa. Trường hợp có nhiều đoàn với số lượng toa khác nhau thì 1 dòng tương ứng 1 đoàn. 
  • Ô nào được tô màu là những toa nằm gần cầu thang (thang cuốn, thang bộ, thang máy) hoặc nhà vệ sinh (cho ai có nhu cầu xả nước cứu thân gấp). Ngoài ra còn có ghi chú các cổng ra, hoặc những địa điểm nổi bật ở ga đến.
  • Chúng ta sẽ dò ga đến và xem ô nào ở ga đó thuận tiện đến vị trí mình muốn ra nhất rồi lên toa đó là xong.




Ga mình đang đứng thường sẽ được đánh dấu cho nổi bật
Ga mình đang đứng thường sẽ được đánh dấu cho nổi bật. Ảnh: tác giả




Chắc bạn vẫn còn thấy trừu tượng phải không? Gambaru sẽ đưa ví dụ cụ thể nhé. 





Đang đứng ở ga Jimbocho
Đang đứng ở ga Jimbocho




Theo như trong hình thì chúng ta đang ở ga Jimbocho (có khung đỏ đỏ), đang đứng ở khu vực toa 5, 6 (có dán dấu tròn ghi 現在地).





Chúng ta muốn đi đến ga Iwamotocho (ga số 3, cách 1 ga dưới ga Jimbocho).





Lúc này, theo bảng chỉ dẫn thì ở ga Iwamotocho có các ô 2, 4, 6, 8 có màu xanh, tức là khi đến ga đó thì toa 2, toa 4, toa 6, toa 8 sẽ gần cầu thang.





Nếu chưa xác định mình ra cổng nào thì chọn toa nào trong các toa trên cũng được, do gần cầu thang mà.





Nhưng nếu bạn đã biết cần cổng ra nào thì nên xác định thêm lên toa nào sẽ gần cổng nhất.





Giả sử chúng ta muốn ra cổng A6 ở ga Ogawamachi (ga số 2, ngay dưới ga Jimbocho). Lúc này, toa 1, 4, 5, 8 (hoặc toa 9 với đoàn 10 toa) sẽ gần cầu thang.





Nhưng theo dòng chữ màu đen ở dưới, toa 1, 4 thì gần cổng A6, A7, toa 5 thì gần cổng A4, A5, toa 8, 9 thì gần cổng A1~A3.





Nên trường hợp này chúng ta sẽ lên toa 1 hoặc toa 4 để khi đến ga Ogawamachi thì dễ dàng ra cổng A6 nhất. 





Một số lưu ý khi lên tàu





  • Đứng chờ ở cửa của toa. Số bự bên trái là số thứ tự của toa, số nhỏ bên phải là số thứ tự của cửa toa.




Lưu ý khi lên tàu
Như hình thì tôi đang đứng ở cửa số 3 của toa số 4. Ảnh: tác giả




  • Hãy đợi hành khách ở chuyến vừa đến ra khỏi tàu rồi hãy bước vào nhé. Đừng đứng chặn trước cửa ra của tàu.
  • Khi lên tàu, nhớ để cặp sách, túi xuống dưới sàn bên cạnh chân mình hoặc trên giá để hành lý nha.
  • Lưu ý không gọi điện thoại hay nói chuyện to tiếng khi đang ở trên tàu (bạn có thể đọc sách, ngủ hoặc dùng điện thoại trong thời gian này). 




Ở một số chuyến tàu, có 1 số toa tàu chỉ dành riêng cho phụ nữ trong vài khung giờ cố định.





Các toa đó sẽ có dán biển báo màu hồng như thế này. Các bạn nam chú ý kẻo lên nhầm thì sẽ bị kỳ thị nhé.





Toa tàu chỉ dành riêng cho phụ nữToa tàu chỉ dành riêng cho phụ nữ
Toa tàu chỉ dành riêng cho phụ nữ. Ảnh: seiburailway




Trên đây là một số bí quyết cơ bản để có thể đi tàu tại Nhật, hy vọng với bài viết này bạn sẽ không bị bỡ ngỡ, hay mất thời gian dù mới lần đầu trải nghiệm ma trận tàu điện bên Nhật nhé!





Theo Vy Vật Vờ, Tea