Hướng dẫn về vấn đề bảo mật

Last updated on 03/08/21

Để đảm bảo an toàn thông tin, trước khi bắt đầu tham gia dự án bạn cần phải đảm bảo thiết bị sử dụng cho công việc thoả những yêu cầu sau.

An toàn thiết bị

1. Cài đặt và hiệu lực tính năng tự động cập nhật phiên bản mới nhất trên các hệ điều hành đang sử dụng

Các hệ điều hành hiện nay như Windows, Mac, Ubuntu thường xuyên cập nhật về bảo mật (security), các bản vá lỗi khi có version mới nên các hệ điều hành cần được cập nhật liên tục để đảm bảo tính ổn định và bảo mật.

Cài đặt và cập nhật định kỳ phần mềm diệt virus.

Các phần mềm diệt virus hiện tại luôn được cập nhật nhanh để vá lỗi và bổ sung các lớp bảo vệ cần thiết. Vì thế bạn cần cập nhật liên tục để đảm bảo độ an toàn và bảo mật cho thiết bị.

3. Tắt chức năng tự động login.

Nhằm tránh rủi ro việc người khác mở, truy cập vào máy của bạn. Khi đó, dễ dàng bị lộ thông tin, mất tài liệu.

4. Đối với hệ điều hành Windows, cần hiệu lực tính năng firewall

Để đảm bảo phát hiện, ngăn chặn các mã độc, virus, malware kịp thời.

5. Sử dụng mật khẩu đủ mạnh (nên 8 ký tự trở lên bao gồm chữ thường, hoa, ký tự đặc biệt).

Hiện nay các phần mềm dò mật khẩu dựa trên thói quen người dùng như đặt mật khẩu đơn giản, theo bảng chữ cái, tên, ngày sinh... Các cách đặt trên sẽ có độ bảo mật yếu, dễ dàng tìm ra. Cho nên để đảm bảo độ an toàn, bạn cần đặt một mật khẩu đủ phức tạp. Ngoài ra, bạn không nên lưu mật khẩu vào máy tính vì cũng sẽ có rủi ro bị lấy cắp.

6. Không cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc từ Internet.

Nhằm tránh việc có thể bị nhiễm virus, mã độc từ Internet hoặc bị đính kèm các phần mềm độc hại khi cài các phần mềm không rõ nguồn gốc.Bạn nên tuân thủ theo luật sở hữu trí tuệ, chỉ cài đặt và sử dụng các phần mềm có bản quyền rõ ràng.

7. Tắt các dịch vụ, thư mục chia sẻ trên máy đang sử dụng.

Các thư mục trên máy có chức năng chia sẻ ra bên ngoài, cho phép người khác truy cập và lấy dữ liệu. Cho nên, nhằm bảo mật dữ liệu nội bộ, bạn cần hết sức lưu ý và nên tắt các dịch vụ này khi không dùng tới, tránh bị người khác truy cập vào máy bạn.

8. Tắt thiết bị khi không sử dụng trong thời gian dài.

Nhằm tăng tuổi thọ cho thiết bị, tránh việc chạy liên tục dễ bị hỏng hóc.

An toàn kết nối

1. Tốc độ kết nối Internet cần đảm bảo tối thiểu 10 Mbps.

Khi làm việc từ xa, mọi hoạt động đều diễn ra online vì thế bạn phải đảm bảo tốc độ kết nối ổn định, nhanh để không bị gián đoạn và ảnh hưởng tới công việc.

2. Luôn dùng VPN khi sử dụng WIFI công cộng.

Khi cần truy cập thông nội bộ, bạn nên sử dụng VPN để đảm bảo mã hóa dữ liệu từ máy nhân viên đến công ty.

3. Không truy cập những website/link có dấu hiệu bất thường, không rõ nguồn gốc được gởi từ email hay tin nhắn.

Hiện nay, việc phát tán virus qua các email/tin nhắn mạo danh thường xuyên diễn ra nhằm đánh cắp thông tin, chiếm quyền đăng nhập. Vì thế, bạn cần hết sức cẩn trọng, luôn kiểm tra kĩ các link nhận từ email/tin nhắn trước khi truy cập nhằm tránh việc có thể bị nhiễm virus, mã độc từ Internet.

Phương án dự phòng

1. Máy đã cài đặt mã hóa đĩa cứng để bảo vệ dữ liệu.

Đề phòng khi máy bị đánh cắp, bị mất thì dữ liệu, thông tin quan trọng của bạn sẽ không bị lộ ra ngoài.

2. Có phương án xóa dữ liệu từ xa khi máy tính bị đánh cắp.

Bạn có thể sử dụng các tính năng lưu trữ đám mây (cloud) để có thể bảo vệ dữ liệu khi máy bị đánh cắp/mất. Ví dụ, bật các tính năng iCloud trên Mac OS.

3. Có kế hoạch backup dữ liệu quan trọng.

Các thiết bị điện tử luôn có rủi ro nhất định như hỏng hóc, mất cắp nên việc backup dữ liệu, lưu trữ trên nhiều thiết bị sẽ đảm bảo an toàn và luôn có dữ liệu để làm việc.

Nếu bạn có những thắc mắc liên quan, xin vui lòng liên hệ theo địa chỉ email: contact@gambaru.io