Metaverse là chủ đề nóng hổi kể từ khi ông chủ Meta đưa ra các tuyên bố liên quan và chính thức đổi tên từ Facebook sang Meta. Các startup công nghệ tại Việt Nam cũng sớm sôi nổi và rục rịch gia nhập cuộc chơi này.
Trong bài này, cùng nghe anh Trịnh Nguyễn Thiên Phước, CTO tại Gianty Việt Nam chia sẻ góc nhìn về Metaverse trong một video trên kênh ANTV.
Anh Phước 🗣️:
Trước tiên là phải định nghĩa Metaverse là gì, thì mới biết lợi ích mà nó mang lại cho những người tham gia.
Metaverse theo định nghĩa ngắn gọn nhất là “Internet với biểu hiện dưới dạng 3D“. Metaverse là một xu hướng của tương lai và không thể tránh khỏi.
Lấy ví dụ về 1 sự kiện diễn ra trên Metaverse là concert của Ariana Grande trên nền tảng Fortnite đã nhanh chóng thu hút hơn 1 triệu người tham gia.
Nhìn vào ví dụ trên ta thấy lợi ích lớn nhất mà Metaverse mang lại chính là khả năng truy cập (accessibility).
Gần như tất cả mọi người với 1 chiếc điện thoại hoặc trình duyệt web hiện đại, đều có thể tham gia vào sự kiện của Ariana, với chỉ 1 cú click.
Ngoài ra, Metaverse được thiết kế cho thế giới ảo, nên không có giới hạn về số lượng người tham gia và sức chứa của khán đài. Để dễ so sánh với thế giới thực thì có chưa đến 10 khán đài trên khắp thế giới có sức chưa hơn 1M như vậy.
Đứng từ vai trò của người tổ chức sự kiện, các hoạt động, tương tác diễn ra trên Metaverse cũng dễ dàng được thu thập, phân tích và cải thiện hơn.
Avatar đại diện người dùng có thể đi bộ, nói chuyện, nhảy, bắt tay, chia sẻ, thích, bình luận và tương tác trong suốt một sự kiện ảo, có nghĩa là mức độ tương tác có thể được ghi lại một cách chi tiết.
Dưới góc nhìn xã hội thì Metaverse cũng giúp tạo ra những cộng đồng có chung hệ giá trị (hay gọi là DAOs) và cũng giúp thể hiện bản thân theo cách chân thực hơn thông qua 3D Avatar.
Hãy nhìn cách các fans hâm mộ chạy theo sát từng bước chân của Ariana trong sự kiện đó, bạn có thể hiểu Metaverse đã phá bỏ những rào cản về mặt không gian, thời gian và cả cảm xúc.
PV 🎙:
Ở góc độ công nghệ thì Metaverse là xu hướng và cũng là bước tiến lớn trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Ông có phân tích gì về vấn đề này?
Anh Phước 🗣️:
Mọi công nghệ đều trải qua 3 giai đoạn trong sự phát triển của nó, nó cũng phản ánh thông qua các giai đoạn người dùng tiếp cận công nghệ đó. Đối với một người dùng, bạn sẽ phải đi vào (Enter) thế giới Metaverse, sống và làm việc (Live and Work) và cuối cùng là rời đi và để lại một loại di sản nào đó (Legacy).
Hiện nay, các công ty vẫn đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và các ứng dụng nền tảng cho Metaverse, nên đứng ở góc độ người dùng, ta thấy vẫn còn những trở ngại ngay từ giai đoạn đầu tiên, đó là làm sao đưa người dùng (onboard) đi vào thế giới Metaverse nào đó một cách mượt mà và đơn giản nhất.
5G hay các công nghệ 3D Avatar, sinh trắc học đang là những vấn đề cần giải quyết về mặt công nghệ trước khi người dùng có thể gặp phải các vấn đề ở các giai đoạn sau này.
Thỉnh thoảng chúng ta quá lo lắng về những vấn đề của những giai đoạn phía sau nên chúng ta để lỡ những cơ hội ngay trước mắt.
PV 🎙:
Hiện nay điện thoại thông minh và mạng xã hội đã làm nhiều người đắm chìm vào đó, giảm đi những hoạt động, giao tiếp đời thực. Với Metaverse, vấn đề này có thể còn nghiêm trọng hơn nếu mọi người sống trong thế giới đó nhiều hơn thế giới thực.
Anh Phước 🗣️:
Đúng là ở giai đoạn cao trào, “tính nghiện” đã khiến Smart Phone và MXH ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dùng.
Nhưng cũng như bất kỳ giải pháp nào, việc giải quyết một vấn đề đa phần sẽ tạo ra những vấn đề khác.
Metaverse chắc chắn cũng sẽ tạo ra những vấn đề mới khi cố gắng mô phỏng thế giới thực.
Tuy nhiên, ở góc độ xã hội, điểm mấu chốt là không phải một, mà rất nhiều thế giới ảo sẽ giúp mọi người tương tác tốt hơn và qua đó cũng tạo ra những mối quan hệ xã hội chất lượng hơn.
Điều này được thực hiện bằng cách thêm lớp ba chiều, mang tính đắm chìm vào web, tạo ra trải nghiệm chân thực và tự nhiên hơn.
Giải quyết các bài toán liên quan đề giai đoạn Sống trong Metaverse sẽ tạo ra những cuộc cạnh tranh khốc liệt về mặt công nghệ và kinh doanh.
NFT Games có lẽ là những ứng dụng nổi trội đầu tiên khiến người ta dễ suy đoán việc sống cho Metaverse chỉ là chơi games nhưng sẽ còn rất nhiều các ứng dụng và mô hình kinh doanh độc đáo sẽ xuất hiện.
Metaverse với sự kết hợp với các công nghệ Web3 tạo ra một đặc tính quan trọng của thời đại thông tin mới: tính sở hữu (ownership).
Biết được chủ sở hữu thông tin, sự tương quan giữa họ và thông tin họ đưa ra có thể hạn chế những thông tin sai lệch.
PV 🎙:
Theo nhận định của các chuyên gia công nghệ trên thế giới, metaverse hứa hẹn sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD trong tương lai, bởi nó sẽ kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất thiết bị như chip, linh kiện điện tử, các thiết bị thực tế ảo tăng cường…, tương ứng hệ thống cơ sở hạ tầng. Điều này có thực sự chính xác?
Anh Phước 🗣️:
Chính xác thì Metaverse sẽ thâm nhập vào mọi lĩnh vực trong những năm sắp tới, với một cơ hội thị trường siêu lớn, ước tính mang lại lợi nhuận hằng năm hơn 1 nghìn tỷ đô la.
Cuộc đua tạo ra Metaverse lớn nhất đang là cuộc đua song mã giữa Microsoft và Meta. Với thông tin gần đây về việc Google đầu tư nghiêm túc vào Web3 cũng tạo ra sức nóng cho cuộc đua này.
Ngoài ra, những nền tảng nổi trội khác có thể kể đến như Decentraland và The Sandbox. Với một thị trường mới và siêu bự, thật dễ dàng để nhận ra sự cạnh tranh khốc liệt thời gian tới.
Ngoài ra còn có các chính phủ Hàn Quốc và ngân hàng rất lớn JP Morgan cũng đã bắt đầu triển khai xây dựng Metaverse của riêng họ.
PV 🎙:
Điều gì sẽ xảy ra nếu ở một thời điểm trong tương lai khi chúng ta sống trong thế giới kỹ thuật số nhiều hơn sống trong thế giới thực? Metaverse mở ra cơ hội và thách thức như thế nào đối với Việt Nam?
Anh Phước 🗣️:
Việt Nam là một thị trường mới nổi, tuy nhiên cũng đã có một vài sản phẩm giải quyết các bài toán ở các giai đoạn khác nhau của Metaverse.
Cơ hội thì như tôi có trình bày ở trên, cái quan trọng nhất không phải là nhìn vào những thách thức ở những giai đoạn đầu như này để nhụt chí.
Mà cái quan trọng nhất là tâm thế, một tâm thế sẵn sàng, hội nhập, đóng góp mang tính giá trị sẽ giúp các công ty xây dựng các giải pháp Metaverse ở Việt Nam vững tin và vươn ra xa hơn.
Ngoài ra, Metaverse cũng mở ra nhiều cơ hội cho việc làm, những ngành nghề mới sẽ xuất hiện như chuyên gia thiết kế trải nghiệm ảo, quản trị cộng đồng, chuyên gia an ninh ảo, quản lý tài sản ảo và kinh doanh nội dung ảo.
Cá nhân tôi nghĩ nhiều về thợ mã nguồn mở (open source engineers), nó giống thợ sửa máy tính nở rộ khi Internet mới vào Việt Nam. Ngày nay, đa phần các hệ thống, framework lớn đều xây dựng theo hướng open source để tận dụng sự đóng góp to lớn từ cộng đồng.
Từ góc độ doanh nghiệp, chúng ta có cơ hội để mở rộng quy mô một cách ồ ạt. Thay vì có các cửa hàng ở mọi thành phố, một nhà bán lẻ lớn có thể xây dựng một trung tâm toàn cầu trong metaverse để có thể phục vụ hàng triệu khách hàng.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt đầu thử nghiệm các chương trình liên quan đến branding và services trên các Metaverse hiện có.
Metaverse cũng sẽ thay thế các thiết bị thịnh hành ngày nay như điện thoại thông minh, thế nên các thiết bị mới cần được nghiên cứu và triển khai nhanh hơn sẽ tạo đà tốt để phát triển sau này.
Tiềm năng của Metaverse cũng rất lớn trong lĩnh vực giáo dục. Sẽ rất nhiều nguồn lợi nhuận và các mô hình giáo dục tương tác mới được tạo ra.
Học mà chơi, chơi mà học cũng sẽ là xu hướng tất yếu trong Metaverse, thay cho mô hình truyền tải kiến thức một chiều và thiếu tính tương tác như truyền thống.
PV 🎙:
Mối lo ngại con người có trở nên phụ thuộc hoặc sống trong thế giới ảo nhiều hơn thế giới thực?
Anh Phước 🗣️:
Đó là một câu hỏi hay. Metaverse không phải là một, mà sẽ là rất nhiều thế giới ảo. Mỗi thế giới sẽ có hệ giá trị, những điểm đặc trưng riêng và phục vụ các mục đích rất khác nhau như công việc, giải trí, học hành.
Các nền tảng tạo ra các thế giới ảo đó sẽ phải cân nhắc yếu tố an toàn cho người dùng (user safety). An toàn ở đây bao gồm cả việc bảo đảm sức khoẻ, tính cân bằng giữa tinh thần và thể chất. Là một cư dân của một thế giới ảo, bạn hãy chọn những nền tảng nào đảm bảo yếu tố an toàn đó nhé.
Như Apple, họ tạo ra Screen Time để giúp người dùng quản lý thời gian sử dụng điện thoại của mình dễ dàng hơn và qua đó cân bằng các hoạt động khác để tạo ra một cuộc sống chất lượng hơn.